PDA

View Full Version : "Hiện tượng KONY": Teen nên tìm hiểu kĩ trước khi "bấm share"


grdoor
04-09-2012, 08:37 AM
Cộng đồng mạng Việt Nam và thế giới đang liên tục chia sẻ đường link có tên "KONY 2012" với tốc độ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, đây có thật sự là một chiến dịch ý nghĩa đến như vậy?

Một đường link được chia sẻ với tốc độ đáng kinh ngạc

Đoạn clip giới thiệu về một chiến dịch mang tên "KONY 2012" được up lên YouTube vào ngày 5/3 vừa qua đã đạt mốc hơn 46 triệu lượt xem trong vòng chưa tới 4 ngày. Chiến dịch "KONY 2012 - Vì một thế giới tươi đẹp hơn" này được lấy theo tên của một tên tội phạm nguy hiểm bậc nhất tại châu Phi - Joseph Kony. Hắn đã bắt cóc hơn 30 nghìn trẻ em về làm lính cho đội quân của mình, bắt các em thực hiện những hành động tàn ác, thậm chí là giết chết cả cha mẹ của mình. Chiến dịch mang tên "KONY 2012" được lập ra để kêu gọi sự ủng hộ để chống lại tên tội phạm đáng sợ này.

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2012/03/09/120309DSKONY02.jpg

Chiến dịch này được cộng đồng mạng tại các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ... hưởng ứng rất mạnh mẽ. Họ còn có cả những buổi gặp gỡ, tuyên truyền cho chiến dịch tại các trường học, bệnh viện... để có nhiều người tham gia hơn. Còn trên mạng, hầu hết mọi người đều vô cùng ủng hộ, liên tục truyền tay nhau về đoạn clip. Trên Facebook của teen Việt mình, rất nhiều bạn trẻ cũng "share" đường link này liên tục.

Có thật sự là một chiến dịch nhân văn?

Có thể, teen mình share nhau đường link về chiến dịch này là do thấy nội dung ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, chúng tớ lại thấy có khá nhiều điểm nghi vấn về chiến dịch mang tên "KONY" này. Nếu thực sự Kony là một tội phạm nguy hiểm như vậy, thực hiện những hành động mang tính vô nhân đạo và đáng căm phẫn như thế, thì tại sao chiến dịch truy lùng và chống đối ông ta lại được tuyên truyền trên... mạng xã hội? Một chiến dịch toàn cầu lại nhờ vào sức lan truyền lớn trong thế hệ trẻ trên các trang mạng để quảng bá? Ngoài ra, thông tin về website của chiến dịch và việc ủng hộ bằng cách điền mã số nước, xác nhận tiếng nói của mình để ủng hộ chiến dịch... cũng rất đáng ngờ. Dường như đây là một chiến dịch PR hơn là một "cuộc truy lùng" tên tội phạm nguy hiểm của nhân loại.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tớ đã phát hiện ra sự thật của vấn đề. Trang báo Telegraph uy tín của nước Anh gần đây đã đăng một bài viết về "hiện tượng KONY" này. Theo như trang này viết, nhân vật Kony là có thật, hắn từng là thủ lĩnh của một nhóm người có tên LRA tại Uganda, thực hiện những hành động chống lại Chúa, tàn sát con người. Kony đã từng gây ra những cuộc giết chóc man rợ, giết hại hàng ngàn người ở khu vực Đông và Trung Phi trong gần ba thập kỷ. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Kony và quân đội của hắn ta đã suy giảm đi rất nhiều. Nhiều người trong số họ bị bắt, còn những "binh lính trẻ em" (như được mô tả trong đường link) đã bỏ trốn khỏi nước Uganda cách đây 6 năm.

Tiến sĩ Beatrice Mpora, giám đốc của Kairos - một tổ chức sức khỏe cộng đồng tại Gulu (thị trấn từng là nơi quân của Kony nổi loạn) nói: "Những gì video này nói là không đúng sự thật. Nó đang gây ra nhiều vấn đề hơn là giúp đất nước chúng tôi. Không còn ai trong tổ chức LRA sống ở đây từ năm 2006 đến giờ. Bây giờ chúng tôi sống rất yên bình, mọi người có nhà cửa, trồng trọt và đã bắt đầu kinh doanh. Chúng tôi hi vọng thế giới sẽ giúp những con người đó, thay vì chống đối một nhân vật đến bây giờ đã không còn nguy hiểm nữa."

Rosebell Kagumire Uganda, một nhà báo chuyên về hòa bình và xung đột, cho biết: "Chiến dịch có tên "KONY 2012" này đang vẽ ra một hình ảnh của đất nước Uganda 6 hoặc 7 năm trước đây. Đó là hoàn toàn không phải là ngày hôm nay. Đây là một việc thực sự rất vô trách nhiệm."

Ngoài ra, bài viết cũng tiết lộ thông tin: các nhà sản xuất video này tuyên bố sẽ gây dựng được kinh phí đủ cho những cố vấn quân sự Mỹ được gửi sang quân đội châu Phi phục vụ cho việc truy tìm Kony. Giờ thì bạn đã hiểu sự thật của vấn đề chưa nào? Tất cả chiến dịch và những đường link này chỉ nhằm mục đích để làm cho Kony "nổi tiếng", và để chiến dịch được nhiều người biết đến nhằm thu lợi nhuận mà thôi.

"Video này sẽ khiến nhiều người cho rằng cuộc chiến khủng khiếp vẫn còn ở Uganda," ông Fred Opolot, người phát ngôn cho chính phủ Uganda cho biết. "Tôi nghi ngờ rằng những người tổ chức chiến dịch chỉ đang muốn tăng cường nguồn lực tài chính cho mình." Được biết, tổ chức "Invisible Voices" đang gặp vấn đề về tài chính. Trong số hơn 6 triệu bảng Anh mà họ chi tiêu trong năm 2001, chỉ 2,3 triệu là dành cho các hoạt động giúp đỡ người nghèo. Phần còn lại là để thực hiện các chương trình "nâng cao nhận thức", các chiến dịch truyền thông, quảng bá nhưng chưa hề đem lại lợi ích thiết thực nào.

Một số người còn rất phẫn nộ khi nhận xét dưới góc độ chính trị: "Họ có nghĩ về những hậu quả không? Việc truy tìm Kony đang là một hoạt động kín, bây giờ thì hắn ta đã trở nên "nổi tiếng" và rất có thể, điều này sẽ khiến cho hắn ta mạnh hơn."

Teen mình thường "share" khá nhanh chóng khi thấy bất cứ điều gì có vẻ là hay ho hoặc ý nghĩa. Thế nhưng, đôi khi bạn nên tách mình ra khỏi trào lưu "số đông", tìm hiểu kĩ về một vấn đề trước khi bấm "share" nó. Chỉ cần 5 phút "search" thêm thông tin thôi, có khi mọi việc lại hoàn toàn trái ngược với bề ngoài của nó đấy!

(Sưu tầm)